Tin mới

Post Top Ad

Your Ad Spot

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

Huyện Thanh Trì - Hơn 90 tuổi vẫn nuôi thân bằng bán rong

Huyện Thanh Trì - Hơn 90 tuổi vẫn nuôi thân bằng bán rong


Co cụm bên góc đường, giữa những làn xe cộ tấp nập với mẹt hàng lèo tèo, cụ Tư (ảnh) đã ngồi đây từ bao lâu, chính cụ cũng không nhớ chính xác. Dăm món hàng bán cũng chẳng ăn thua gì, nhưng việc một cụ già quyết không dựa dẫm vào con trẻ, đó mới thật ý nghĩa.
Lặn lội một đời

Vào tuổi “xưa nay hiếm” như cụ Tư - nhân vật chính trong câu chuyện dưới đây - khiến chúng tôi cũng như những người chứng kiến một ngày lao động của cụ đều không khỏi cảm phục khi một cụ già đã trải qua gần một thế kỷ vẫn dõng dạc tuyên bố: “Già, nhưng không lụy con trẻ”. Quả thực, cụ Tư đã không nói suông khi ngày nắng cũng như ngày mưa, người ta lại thấy cụ bên góc đường Nguyễn Trãi, đối diện với chợ Thượng Đình (quận Thanh Xuân, HN), cùng với những món hàng đơn sơ quen thuộc.
Năm nay đã ngót 92 tuổi, đôi mắt cụ Tư đã đục và mờ dần, nhưng trong cách nói chuyện của cụ đã nói lên cho chúng tôi biết cụ có một vốn sức khỏe trời ban. Cụ Tư cũng cho chúng tôi biết thêm tên thật của cụ là Đoàn Thị Vượng,  xưa cũng từng là hoa khôi của vùng cầu Bươu, huyện Thanh Trì nay. Cụ đã từng là thanh niên xung phong ra Bắc vào Nam và một công nhân cầu đường nhiệt huyết. Đang say sưa, cụ bỗng ngừng lời và chuyển giọng kể: Khi trên Tuyên Quang, trong một lần lao động, cô công nhân Vượng bỗng lên cơn đau dữ dội, khi đi khám thì được bác sĩ cho hay bị mắc chứng đau tim bẩm sinh nên không được lao động quá sức và kết quả là cô Vượng năm ấy được đơn vị cho nghỉ trước tuổi... “Lúc đó cụ không thiết sống nữa con ạ, với cụ, không lao động thì ngang bằng chết rồi” - cụ Tư nghẹn lời. 

Rồi bỗng như thoát ra khỏi quá khứ, bà cụ hát cho tôi nghe đôi câu hát trong bài “Cô gái mở đường”, giọng cụ đương nhiên không còn sự thanh thoát, nhưng vẫn toát lên một sự nuối tiếc, xen lẫn tự hào và tôi hiểu cụ đang nghĩ đến điều gì.

Tôi hỏi cụ về chuyện đời hiện tại, cụ cho biết hiện cụ đang sống với anh con trai lớn ở Khương Đình, đời sống tuy có eo hẹp, nhưng cụ hài lòng với nó. Cụ Tư cho biết thêm: “Thằng lớn tuy không giàu, nhưng còn có hiếu, chứ thằng hai ác lắm, cụ không dám ở”. Một đời lận đận, hạnh phúc với cụ bà tóc bạc vẫn quá đỗi xa vời.

Ấm tình mùa đông

Khi được hỏi về duyên cớ bán rong kiếm sống nơi góc đường, cụ Tư cho hay: “Ngồi nhà cũng chán con ạ. Nhiều khi con bắt ở nhà, nhưng cũng chỉ được vài bữa là lại phải  tìm đi thôi”.

Với dăm món hàng nho nhỏ: Đôi kẹo lạc, vài bao thuốc và mớ trầu cau, cụ Tư đã trải qua phần đời tóc bạc bên vỉa hè. Nhưng với cụ, đó là cả một niềm hạnh phúc lớn. Thu nhập từ mẹt hàng cũng chẳng đáng là bao, đa phần khách ghé thăm bà vì cảm thương, mến phục tình yêu lao động của cụ. 

Dù đã ở tuổi gần đất xa trời, song cụ Tư vẫn hóm hỉnh, lanh lẹ khi cụ kể chuyện một lần bị mấy thanh niên xấu “xin đểu”: “Mấy cậu đấy đi qua, lấy hàng, nhưng không định trả tiền, cụ chỉ nói hôm nay thì miễn phí, nhưng mai phải trả tiền cụ đấy nhé, mấy đứa phải đưa luôn”; rồi “nhờ lao động thế này mà cụ hết đau tim đấy con ạ!”.

Dù thu nhập chẳng là bao, cụ Tư vẫn luôn sẵn sàng chia sẻ nỗi bất hạnh với những người sa cơ. Nhiều lần, cụ đã giúp đỡ những người gặp khó khăn, dù đó là đôi chục đồng tiền lẻ, hay chỉ là miếng bánh cho kẻ hành khất. 

Trong không khí lạnh lẽo của đất Hà thành, hình ảnh cụ Tư vẫn ngồi bên góc đường miệt mài kiếm từng đồng bạc lẻ để khỏi... “lụy con trẻ” đã chạm khắc vào lòng trắc ẩn của mỗi người và chúng tôi sẽ còn nhớ mãi nghị lực của cụ bà 92 tuổi.
Nguyễn Lộc
Nguồn: Huyện Thanh Trì - Hơn 90 tuổi vẫn nuôi thân bằng bán rong - Báo Lao Động.
Tìm thêm: Tin huyện Thanh Trì, Bán rong, Cầu bươu, Nuôi thân bằng bán rong, 90 tuổi bán rong, 90 tuổi tự nuôi thân

Facebook: http://www.facebook.com/tintucthanhtri

Tin tức Thanh Trì Hà Nội khác:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Top Ad

Your Ad Spot

Pages