Dụng cụ đồ nghề vẽ tranh của tôi
Đây là những đồ nghề tôi thường dùng để vẽ truyện tranh. Tôi sẽ nêu tên sản phẩm và hãng cụ thể để các bạn dễ dàng tìm và mua trên mạng hoặc ở các cửa hàng họa phẩm. Một số loại tôi không thấy bán ở Việt Nam, còn đa phần có thể mua được ở : của hàng họa phẩm Phương (42 Yết Kiêu HN- Gần trường Mỹ thuật Yết Kiêu); cửa hàng Thanh Phong (Ngõ 75 đường Giải Phóng, gần trường Xây dựng, chỗ này nhiều hàng và giá rẻ hơn những chỗ khác); cửa hàng văn phòng phẩm ở ngã tư Hàng Bồ -Lương Văn Can (nhiều hàng nhưng giá hơi cao)
BÚT CHÌ:
Tôi thường dùng bút chì để vẽ phác, lên nét và vẽ kí họa. Các loại bút tôi hay sử dụng (trái qua phải): bút chì Koh-i-noor Hardtmuth (CH Séc) loại 6B (tôi thích nhất và hay sử dụng nhất loại này); Raffine Sketch 7000 (Hàn Quốc) loại 6B (loại này hơi nhiều dầu, vẽ hơi trơn); Koh-i-noor Hardtmuth Progresso 8911/6B (Loại này cũng trơn và mềm hơn loại 6B thường, ruột chì đặc và to, bóc vỏ để dùng); Chì bấm dùng ngòi thương STAEDTLER Mars 780 (Đức); Chì than Daler-Rowney (Anh) và Vangogh (Hà Lan) - chì than xốp và mềm, vẽ kí họa rất tốt. Tôi thích gọt chì bằng dao hơn dùng gọt chì, có lẽ do thói quen dùng ngòi chì dài hơn bình thường.
TẨY:
Tôi thường dùng tẩy của Staedtler (Đức) để tẩy chì thường, và loại tẩy mềm và bở của Trung Quốc để tẩy chì mềm 6B. Tôi rất ít khi dùng đến loại tẩy đất sét.
BÚT SẮT:
Là loại bút có quản bút và ngòi bút rời, có thể tháo ra lắp vào được. Sử dụng bằng cách chấm mực để vẽ. Loại này ai mới dùng chưa quen sẽ rất mệt, nhưng nếu làm quen với nó rồi thì sẽ thấy mê vô cùng và không thể bỏ được
QUẢN BÚT:
Thường có 2 loại quản bút với rãnh lắp ngòi cho ngòi to và ngòi nhỏ. Tôi sử dụng quản bút to của hãng Speedball (Mỹ) loại này phù hợp với hầu hết ngòi bút thân to, được làm bằng nhựa đặc, trọng lượng khá vừa tay và có phần lõm vào để dễ cầm và sử dụng. Quản bút nhỏ (dùng cho ngòi cuốn) thì dùng loại quản nhỏ của Trung Quốc, dạo trước hay dùng luôn cái thân bút chì bấm ruột to KOH-I-NOOR TOISON D’OR 5905 để giữ ngòi cuốn. Ưu và nhược của loại này là giữ ngòi chắc, nặng (hay đầm tay) tùy theo nhu cầu sử dụng của họa sĩ.
NGÒI BÚT SẮT:
Tôi thường dùng ngòi của hãng Zebra (Nhật). Bảo quản ngòi bút sắt cẩn thận ở nơi khô ráo, dùng xong phải lau sạch, nếu bạn không muốn chúng nhanh chóng bị rỉ sét và không thể vẽ được nữa. Nghe thì có vẻ nhiều và phức tạp nhưng có lúc tôi chỉ dùng 1 loại ngòi cho tất cả các loại nét.
Ngòi bị gỉ sét do bảo quản không tốt
- Ngòi Saji 120 : tương đối mềm và dễ sử dụng, vẽ được cả nét nhỏ và to
- Ngòi cuốn 2586: Dùng quản nhỏ và vẽ được cả nét nhỏ và to, sử dụng quen rất thích. Nhược điểm là vẽ nhiều nét sẽ bị to lên
- Ngòi thìa: Tương đối cứng, vẽ nét mảnh và đều, dúng vẽ đường hiệu ứng tốt. Rất bền
- Ngòi (lá tre?) 5: Hơi cứng, vẽ nét từ tương đối nhỏ đến vừa.
- Ngòi G: Đây là loại ngòi thông dụng nhất để vẽ truyện do dễ sử dụng, có thể vẽ từ nét nhỏ đến nét rất to
- Ngòi thư pháp của Speedball (Mỹ) loại này chuyên dùng để viết chữ, nét hơi đều, có lưỡi phụ giữ mực, nét từ nhỏ đến to tùy cỡ ngòi
CÁC LOẠI BÚT KHÁC:
- Faber-Castell PITT Artist pen (Anh): bút dạ ngòi giống bút lông,mềm, vẽ được nhiều loại nét
- Fandi Marker (Trung Quốc) bút dạ 2 đầu ngòi vát, vẽ được nét to và nhỏ. Có rất nhiều màu
- Bút dạ ngòi nhựa Pentel (Nhật) loại này cực lạ và tốt, vẽ được nhiều kiểu nét, rất tốt cho kí họa. Có thể thay ruột. Giá khoảng 100k ở cửa hàng VPP Hàng Bồ-Lương Văn Can.
- Bút máy kí họa (TQ) Ngòi cong có thể vẽ nhiều loại nét. Bơm mực vào ruột bút. Rất tốt để vẽ kí họa.
- Bút lông nước Pentel (Nhật) Loại này rất hay, chứa nước ở thân bút, dùng chấm mực hoặc màu nước. Không phải đem theo nước (nhưng phải đem theo mực) Có lần tôi thử chứa mực nhưng đã phải trả giá đắt cho trò ngu này, rửa bút mất mấy ngày mới dùng lại được.
- Các loại Calligraphy Marker- bút dạ ngòi vát (từ trái qua): Fandi, Staedtler LUMOCOLOR B, Faber Castell PITT(ngòi lông thường), Sakura Calligraphy 20, Staedtler LUMOCOLOR permanent marker (dùng mực vĩnh cửu, có thể viết trên nhiều chất liệu)
MÀU NƯỚC:
Tôi thích dùng loại màu nước Leningrad(nga) loại có 24 màu trong từng thỏi nhựa riêng biệt. Tôi kiếm được một hộp sắt đựng chì màu chứa vừa khít 2 hộp Leningrad. Bảo quản ở nơi khô và kín gió, nếu không cẩn thận sẽ dễ bị nấm mốc. Một Palette đựng màu bằng nhựa có nhiều ngăn và gấp lại được là lựa chọn tuyệt vời cho những buổi vẽ ngoài trời. Nói thêm về giấy vẽ màu nước, để vẽ màu nước bạn cần một loại giấy dày và xốp, nếu không muốn bức tranh của mình nhăn nhúm sau khi màu đã khô. Lựa chọn của tôi là giấy xốp ganh Oxford 300GSM, loại này không mua được ở VN, có thể dùng giấy xốp Đức bán nhiều ở đây, vẽ cũng rất tuyệt.
THƯỚC KẺ:
Tôi dùng thước kẻ học sinh loại 30cm thường để kẻ khung và vẽ các đường thẳng (hiếm khi), thước cong cao su lõi nhôm, loại này rất tiện và cơ động để vẽ nét cong ( tôi hiếm dùng), thước tròn và elip để vẽ các hình cụ thể
MỰC:
Những loại mực tôi thường dùng (thử bằng bút lông cỡ 00 trên giấy in loại AA) Phân loại theo độ đen 1-5(đen nhất); thời gian khô 1-5 (nhanh nhất); độ thẩm thấu 1-5 (thấm nhiều nhất):
-Artline Stamp pad Ink 50ml (Shachihata- Nhật): Đen 3, thời gian khô 5, độ thẩm thấu 4 . Mực không cặn
-Deleter WHITE 2 30ml (mực trắng- Nhật): Đen 0, thời gian khô 1, độ thẩm thấu 1 loại này có thể dùng với nước . Đây là mực đặc
-Mực Tàu (??) Đen 4, thời gian khô 1, độ thẩm thấu 2 có thể dùng với nước , khá cặn, để lâu ngoài không khí sẽ bị đặc lại và có mùi khó chịu, giải pháp xem ở dưới
- Black Indian Ink #951 14ml (Winsor Newton- Anh) Đen 5, thời gian khô 4, độ thẩm thấu 5. Hầu như không cặn
- Calligraphy Ink 30ml (Winsor Newton- Anh) Đen 1, thời gian khô 4, độ thẩm thấu 3. Thực ra đây là màu nâu Sepia chứ không đen, mực trong và hầu như không có cặn, gần với màu nước
- Deleter BLACK 5 (Nhật) Đen 5, thời gian khô 2, độ thẩm thấu 1. Loại mực truyện tranh chuyên dụng, khá bóng, rất đen, để lâu bị đặc lại.
Tôi hay dùng mực Tàu, rẻ, dễ kiếm, khá đen và thấm tương đối ít. Nhưng dùng hơi phiền nên đã chế ra một cốc đựng mực trong khi vẽ để tránh tình trạng mực bị để lâu sẽ đặc lại và hôi. Dụng cụ này gồm 3 phần: phần ngoài lấy từ nắp lọ thuốc ho Bổ Phế được dùng làm đế cốc mực để tránh bị đổ mực, phần trong làm bằng một nắp lọ nhỏ hơn và cao để chứa được nhiều mực và dễ nhúng bút. 2 phần này được gắn với nhau bằng 1 đế làm bằng nến, có thể tháo ra dễ dàng khi vệ sinh cốc chứa mực phía trong sau mỗi lần dùng.
Dụng cụ đồ nghề vẽ tranh của tôi
Tìm thêm: Góc học tập, Môn mỹ thuật, Dụng cụ vẽ tranh, Đồ nghề vẽ tranh, Tài liệu mỹ thuật, Tài liệu môn mỹ thuật
Link: http://tintucthanhtri.blogspot.com/2011/06/dung-cu-o-nghe-ve-tranh-cua-toi.html
Tin tức Thanh Trì Hà Nội khác:
Một bộ này là mình đã có thể trở thành 1 Họa Sĩ tương lai rùi
Trả lờiXóa