Tin mới

Post Top Ad

Your Ad Spot

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

Xã Vạn Phúc - Người dân không kiện, tòa cũng xử?

Xã Vạn Phúc - Người dân không kiện, tòa cũng xử?
Nguyên tắc cơ bản của việc kiện tụng là người dân có kiện tòa mới xử đã bị TAND huyện Thanh Trì, Hà Nội, quên hay cố tình xử sai?

Hình minh họa
Hình minh họa

Kiện một…

Theo yêu cầu khởi kiện của ông Đặng Văn Đen, ông khởi kiện đối với bà Nguyễn Thị Châu là vợ ông Chử Văn Thuận (anh trai cùng mẹ khác cha với ông), yêu cầu chia di sản của mẹ đẻ ông (cụ Chử Thị Mão) để lại mà vợ chồng bà Châu đang quản lý.

Theo các tài liệu, chứng cứ và yêu cầu khởi kiện mà ông Đen cung cấp cho tòa án thì cụ Mão để lại di sản là thửa đất có diện tích 537m2 tại thôn 1, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thửa đất này cụ Mão được nhà nước cấp để sử dụng làm nhà ở. Cụ Mão đã xây dựng ngôi nhà ngói ba gian trên thửa đất và sống cùng con cái cho đến khi mất. Trong thời gian cụ Mão còn sống, vợ chồng bà Châu và ông Thuận đã sống cùng cụ Mão. Năm 2000, cụ Mão mất và không có di chúc để lại di sản này cho người con nào, nên ông Đen khởi kiện người đang quản lý di sản yêu cầu chia 537m2 đất cụ Mão để lại.

Tòa chia hai

Khi thụ lý yêu cầu khởi kiện của ông Đen, TAND huyện Thanh Trì đã thu thập chứng cứ về tài sản của cụ Mão mà đương sự kiện đòi chia. Tòa cho rằng, ngoài di sản 537m2 đất, cụ Mão có tài sản khác là thửa đất 618m2 tại thôn 3, xã Vạn Phúc hiện nay vợ chồng ông Đen và bà Bùi Thị Hòa đang sử dụng.

Theo hồ sơ địa chính, thửa đất này vợ chồng ông Đen đã sử dụng từ trước năm 1980. Theo nhận xét của Tòa, tuy vợ chồng ông Đen đã sử dụng từ lâu nhưng đây là thửa đất mà Nhà nước cấp cho mẹ con cụ Mão và ông Đen trong thời gian nước lũ những 1971. Vì vậy, tòa cho rằng, thửa đất mà vợ chồng ông Đen sử dụng từ lâu nhưng cũng có nguồn gốc là Nhà nước cấp cho cụ Đen nên cũng là di sản.

Với nhận định như trên, TAND huyện Thanh Trì đã quyết định đem cả di sản của cụ Mão và thửa đất của vợ chồng ông Đen ra chia cho những người thừa kế của cụ Mão, mặc dù nguyên đơn là ông Đen không khởi kiện, bị đơn và những người liên quan trong vụ án cũng không yêu cầu tòa án chia phần đất mà ông Đen đang sử dụng. Kết quả, Tòa chia cho ông Đen diện tích đất mà ông đang sử dụng và chia cho ông Thuận thửa đất mà vợ chồng ông đang quản lý. Phiên tòa khép lại bằng một kết quả  “hòa” cho cả bị đơn và nguyên đơn.

Việc đương sự không kiện nhưng tòa cũng xử đã khiến vụ án trở nên “độc nhất vô nhị”. Việc xét xử như trên của tòa án cần được TAND TP Hà Nội làm rõ tại phiên phúc thẩm ngày 5/7/2011.


Việc “không kiện tòa cũng xử” như trên có trái các quy định của pháp luật, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Minh Hải, Trưởng VPLS Royal.
Có ý kiến cho rằng, việc tòa xử vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự là không trái pháp luật, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Đó là quan điểm không đúng. Theo nguyên tắc chung của pháp luật về tố tụng và tài phán, kể cả tố tụng dân sự, hình sự hay tố tụng trọng tài thì cơ quan tài phán là tòa án hoặc trọng tài chỉ có quyền xét xử về những vấn đề mà đương sự yêu cầu.
Trong Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định, Tòa án chỉ xét xử tội danh mà VKS truy tố, không xét xử những tội danh hoặc hoặc điều khoản nặng hơn truy tố của VKS.        Tại Điều 5, Bộ luật Tố tụng dân sự cũng quy định một nguyên tắc xác định giới hạn xét xử dân sự của Tòa án là Tòa chỉ xét xử những gì mà đương sự yêu cầu và đã đóng tạm ứng án phí. Như vậy, việc Tòa án xét xử vượt quá  yêu cầu khởi kiện của đương sự là trái pháp luật.
Trong vụ kiện này, nguyên đơn chỉ yêu cầu chia phần di sản do bị đơn đang quản lý thì tòa có thể chia cả các tài sản khác không, thưa ông?
- Như tôi đã nói ở trên, Tòa chỉ được xét xử những yêu cầu được đưa ra từ phía nguyên đơn, bị đơn hoặc người có liên quan và những bên có yêu cầu phải nộp tạm ứng án phí để tòa án giải quyết yêu cầu của họ. Nếu không thì Tòa không được xem xét.
Trong vụ kiện này, tôi được biết nguyên đơn chỉ yêu cầu chia di sản do bị đơn quản lý, bị đơn và người liên quan không có yêu cầu phản tố hay yêu cầu chia tài sản nào khác thì việc tòa chia cả tài sản mà nguyên đơn đang quản lý là vượt quá yêu cầu khởi kiện. Thậm chí, vi phạm này còn nghiêm trọng hơn nếu đương sự không nộp tạm ứng án phí mà tòa vẫn cứ xét xử.
Thưa ông, việc tòa xét xử khi đương sự không khởi kiện là sự lạm quyền trong tố tụng dân sự, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Nói là lạm quyền thì có thể chưa đến mức nhưng việc xét xử vượt quá yêu cầu khởi kiện đã làm sai lệch phán quyết của tòa án và làm cho người dân nghi ngờ sự khách quan, vô tư của Tòa.
Nhìn vào kết quả xét xử của Tòa cấp sơ thẩm, người ta có thể thấy những nghi ngờ này. Ông Đen là nguyên đơn yêu cầu chia di sản mà bà Châu và ông Thuận đang quản lý nhưng tòa đem cả tài sản của vợ chồng ông Đen ra để chia. Kết quả của phép chia này là tòa chia cho ông Đen chính tài sản của ông và chia cho ông Thuận, bà Châu chính tài sản mà vợ chồng ông Thuận đang quản lý. Tưởng là “hòa” và bị đơn là người “thắng” vì họ không bị chia tài sản mà lẽ ra phải chia.
Nếu xử đúng yêu cầu khởi kiện thì kết quả đã khác và rõ ràng là sẽ không có lợi cho bị đơn. Như vậy, việc xử vượt quá yêu cầu khởi kiện dù không phải là lạm quyền những rõ ràng là có vấn đề.
Xin cảm ơn ông!

Xã Vạn Phúc - Người dân không kiện, tòa cũng xử?
Tìm thêm: Tin xã Vạn Phúc, Vạn Phúc huyện Thanh Trì, TAND huyện Thanh Trì, Thôn 1 xã Vạn Phúc, Toà xét xử, Người dân không kiện
Link: http://tintucthanhtri.blogspot.com/2011/07/xa-van-phuc-nguoi-dan-khong-kien-toa.html

Tin tức Thanh Trì Hà Nội khác:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Top Ad

Your Ad Spot

Pages