Tin mới

Post Top Ad

Your Ad Spot

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Sự thật về “Thánh” viết “chữ Trời”

Sự thật về “Thánh” viết “chữ Trời”
Thời gian gần đây, giới doanh nhân đồn đại rôm rả về một “siêu người giời” ở Bắc Ninh. “Người giời” này có một khả năng đặc biệt, trên cả thần thánh, đó là ban “lệnh giời”, giúp người đời đạt được mọi mong ước, danh vọng.
Điều đặc biệt là “người giời” chỉ tiếp đón doanh nhân, người giàu, quan chức, chứ không tiếp dân thường, người nghèo.

Trong đời làm báo, tôi đã gặp vô số “người giời”, từ Nam chí Bắc, nhưng quả thực, tôi chưa từng thấy ai giàu có bằng nghề bói toán, cầu cúng kinh hoàng như Nguyễn Thành Bút.


Nguyễn Thành Bút ban "lệnh trời"

Kỳ I: Hành tung bí ẩn của “siêu người giời”

Trong bữa nhậu, anh bạn doanh nhân kể rằng, từ nay, anh ta không phải khốn khổ chen chúc, tranh cướp ấn đền Trần để xin thăng quan, tiến chức nữa, mà chỉ việc đăng ký rồi xếp hàng chờ đến lượt, sẽ được ban “lệnh trời”. Ấn đền Trần chỉ là ấn vua ban, chứ lệnh của “người giời” là lệnh trời ban, lệnh thiên đình, nên giá trị hơn nhiều. Anh ta kể hết ông nọ đến bà kia, sau khi xin “lệnh trời” của “thầy” Bút, thì việc kinh doanh, làm ăn phát đạt hẳn, tiền của cứ… vào như nước?

Tò mò với câu chuyện của anh bạn, tôi tìm về Thuận Thành (Bắc Ninh). Từ thị trấn Hồ, hỏi “thầy” Bút, bất kỳ ai cũng biết và chỉ đường rành rẽ. Anh xe ôm bảo: “Người giời gì cái lão ấy, toàn lừa đảo thôi. Chả hiểu hắn có tài gì mà rất nhiều quan chức, đại gia bị hắn dắt mũi, cung tiến tiền bạc nhiều vô kể”.

Chúng tôi đến giữa cánh đồng, thì có một cái ngã ba, một chị tầm 35 tuổi đứng bên đường như thể chờ xe giữa cái nắng như đổ lửa trưa hè. Tôi hỏi xã An Bình, chị ta chỉ rẽ trái. Tôi hỏi tiếp nhà “thầy” Bút, chị ta chợt nhảy dựng lên chửi, toàn từ bậy bạ: “Cha bố mày, vào nhà thằng Bút làm gì. Cha bố mày, cút đi đừng hỏi…”. Chị ta cứ chửi như súng liên thanh khiến tôi hoảng hồn. Một chị bế cháu bé tiến lại bảo: “Chị ta bị dở đấy, chú đừng hỏi làm gì. Chú cứ đi thẳng đường này, thấy ôtô đỗ thành rừng thì là dinh thự nhà ông Bút”.

Sau này, tìm hiểu trong làng, người dân đồn rằng, ma quỷ nhập vào người đàn bà kia để phá ông Bút, nhưng ông này cao tay, nên ma quỷ cũng chưa làm gì được. Hàng ngày, người đàn bà điên dở ấy cứ đứng ở đầu xã từ sáng đến đêm. Hễ khách đến, hỏi đường vào nhà ông Bút, là bà ra chửi ráo, chửi cả khách hỏi đường lẫn chửi ông Bút. Chị ta toàn gọi “người giời” là “thằng”. Tôi thì không tin chuyện ma quỷ, vì nó nhảm nhí quá. Nhưng hôm sau quay lại, thấy chị ta vẫn phơi mặt dưới cái nắng như thiêu, như đốt, với đường nhựa bỏng rát giữa cánh đồng để làm nhiệm vụ phá rối ông Bút. Tôi lại thử hỏi chị ta nhà ông Bút, chị bất ngờ nổi đóa y như lần trước.

Cả trăm chiếc ôtô đỗ dọc đường liên xã An Bình. Từ con đường liên xã rẽ trái vào con đường riêng dẫn đến biệt phủ. Đây là con đường rộng rãi, lát gạch đỏ chót, do “Thánh Bút” làm riêng cho mình, nên không phải ai cũng vào được. Hai bên con đường lớn này, xe ôtô cũng nối đuôi nhau dài hút tầm mắt. Mặt tiền của biệt phủ kéo dài hun hút theo con đường riêng này. Tôi thực sự choáng ngợp trước một biệt phủ cực kỳ hoành tráng, rộng vài hécta, choán hết đầu làng. Thật là một cảnh tượng không tin nổi. Tôi nhòm ngang, ngó dọc mãi, mà không thấy chiếc xe máy nào.

Ô tô xếp dọc đường liên xã

Ngôi nhà sàn ngay đầu làng, nằm ngoài biệt phủ cũng là của Nguyễn Thành Bút. Ngôi nhà cực lớn với 24 cột gỗ lim, mỗi cột một người ôm không xuể. Để có được những chiếc cột gỗ lim khổng lồ, thẳng đuồn đuỗn như thế này, theo giới thợ mộc, phải nhập những cây gỗ lim lớn từ châu Phi, chứ ở Việt Nam và Lào đã cạn kiệt rồi, không moi đâu ra nữa. Toàn bộ thành vách, cánh cửa, vì kèo đến sàn ngôi nhà cũng đều làm bằng gỗ quý. Ngôi nhà lớn đến nỗi, tôi xoay ngang, xoay dọc, mà không thu hết được vào ống kính máy ảnh.

Để dựng được ngôi nhà sàn khổng lồ này, theo giới chuyên môn, “người giời” phải bỏ ra không dưới chục tỉ đồng. Người dân trong làng bảo, thợ mộc nổi tiếng khắp tỉnh tập trung làm ngôi nhà gần 5 năm mới xong. Ngôi nhà đẹp và hoành tráng thế, nhưng “người giời” khóa cửa để đó, chưa sử dụng đến. Cạnh ngôi nhà sàn khổng lồ, ngay đầu con đường riêng dẫn vào trung tâm biệt phủ cũng có một ngôi nhà sàn nữa. Ngôi nhà này là nơi kinh doanh các loại bánh kẹo, thuốc nước, dành cho đám tài xế của các sếp nghỉ ngơi, vì lái xe không được phép vào phủ.

Tòa nhà sàn bỏ không trong biệt phủ

Tôi cưỡi xe máy phóng vào biệt phủ, mấy vệ sĩ xông ra chặn đường. Mấy anh này quát nạt rất lớn và đuổi tôi ra ngoài. Hóa ra, để được vào biệt phủ, thì phải đăng ký trước, chứ không phải ai thích đến thì đến, thích vào thì vào. Mấy vệ sĩ chỉ tôi dòng chữ và số điện thoại ghi trên tường nhà: “Đăng ký xin lệnh, từ 9giờ đến 11giờ. Số điện thoại: 0126378855…”.

Không có cách nào diện kiến được “người giời”, tôi loanh quanh trong làng tìm hiểu. Mấy cụ già nhìn tôi lắc đầu bảo: “Cháu đi xe máy thế thì họ đuổi cổ, không vào được đâu. Người làng, cán bộ trong xã anh ta còn không thèm tiếp. Anh Bút chỉ tiếp quan lớn và đại gia đi ôtô thôi!”. Một cụ già ngồi chơi cờ trước ngôi chùa đầu làng cười khẩy: “Cái thằng Bút này chuyên nghề lừa đảo. Thánh thần gì nó chứ. Chả hiểu sao người ta cứ tin cái lá bùa nhí nhố của nó nhỉ? Cả làng này có ai xin đâu?”. Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên rằng, không hiểu ông “người giời” này làm gì mà lắm tiền thế, xây cái biệt phủ to tướng, thì một cụ nói: “Cái biệt phủ này của Bút trị giá phải trăm tỉ chứ chả ít đâu. Riêng mấy hécta đất ở đầu làng này, cứ tính rẻ 4-5 triệu đồng một mét vuông, cũng không biết là mấy chục hay mấy trăm tỉ đồng rồi. Tiền xây dựng các công trình mười mấy năm nay cũng phải tốn kém cả trăm tỉ chứ chẳng ít đâu”.

Cũng lời khẳng định của người dân trong xóm, thì ngoài biệt phủ ở làng, Nguyễn Thành Bút còn có mấy cái biệt thự to vật vã ở Hà Nội. Đặc biệt, theo lời đồn, Bút còn có một biệt phủ ở Ba Vì (Hà Nội), còn to hơn cả biệt phủ tại làng. Nghe người dân kể về tài sản của “người giời” Nguyễn Thành Bút mà tôi ngỡ ngàng. Có lẽ phải đến hàng ngàn, hàng vạn người cúng tiến tiền bạc, thì Nguyễn Thành Bút mới có được cơ ngơi khủng khiếp như thế này.

Điều tra thêm về Nguyễn Thành Bút, thì tôi được nghe nhiều câu chuyện đồn thổi quái gở. Theo đó, Bút vốn sinh ra trong gia đình nông dân. Thuở bé chuyên đi chăn vịt, mò cua bắt ốc lấm lem ngoài cánh đồng. Lớn lên thì lười lao động, bỏ nhà đi phiêu bạt. Thế rồi, duyên trời Bút được một pháp sư bí ẩn nhận làm học trò. Vị pháp sư đã truyền hết pháp thuật cho Bút. Vị pháp sư chết, Bút chôn ông ta trong rừng. Đủ 6 năm, Bút quật mả sư phụ, mang hộp sọ về quê thờ tự. Đó cũng là lúc quyền năng ngút trời của Nguyễn Thành Bút phát huy.

Lại có một số người kể theo hướng khác: Năm lên 6 tuổi, cậu bé Bút bị trận sốt nặng, nằm ly bì mấy ngày liền không tỉnh, gia đình đã chuẩn bị hậu sự. Thế nhưng, sau khi ngừng thở hơn tiếng, cậu bé Bút đột nhiên bật dậy, ngơ ngác nhìn mọi người. Kể từ đó, Bút là con người hoàn toàn khác. Một vị “Thánh” đã mượn xác Bút để làm cái công việc mà các thầy bói thường khoe khoang là “cứu nhân độ thế”. Bút có thể nhìn về quá khứ, nhìn thấu tương lai, biết được vui, buồn, khổ hạnh của mọi sinh vật trên cõi nhân gian. Bút có thể ngồi ở nhà, nhưng xuất hồn ra ngoài vũ trụ để gặp các bậc thánh thần, Ngọc Hoàng thượng đế! Bút có thể làm được mọi việc, quyết định được tương lai cho mọi con người! Vậy nên, chẳng có gì lạ khi không cần hỏi mà Bút vẫn biết các con nhang đệ tử đứng trước mặt mình muốn gì và Bút có thể dễ dàng đáp ứng được mong muốn của họ bằng cách chỉ đường dẫn lối cho họ đạt được nguyện vọng chỉ bằng một lá bùa!

Cũng có một dị bản khác kể về cuộc đời của Nguyễn Thành Bút nghe cứ như chuyện bùa mê ngải lú của người dân tộc. Theo đó, Bút sinh năm 1964, cũng có thời gian đi bộ đội, đóng quân ở vùng biên giới phía Bắc. Do duyên trời sắp đặt, Bút được một người dân tộc thiểu số nhận làm đệ tử, truyền cho thuật sai khiến âm binh. Theo đó, Bút có thể viết bùa, đọc chú, sai âm binh đến giúp đỡ người này, ám hại người kia. Người đến cúng tiến tiền bạc, Bút sẽ sai âm binh ăn mặc khố xanh khố đỏ đi giúp đỡ, bảo vệ gia chủ. Nếu gia chủ phát tài, mà quên ơn Bút, thì Bút sẽ rút “âm binh tốt” về và sai “âm binh đểu” đi phá hoại, khiến gia chủ thân bại, danh liệt. Chính vì thế, nếu đại gia nào hưởng lộc lớn từ lá bùa của Bút, sẽ ngày càng phải công tiến tiền bạc nhiều hơn cho Bút. Điều này lý giải vì sao Bút lại giàu có kinh khủng như vậy.

Những câu chuyện thú vị về “siêu người giời”, khiến tôi càng khao khát muốn diện kiến ông ta.

Bấm số điện thoại 0126378855… thì một giọng nữ nhấc máy. Người phụ nữ này hỏi luôn: “Họ tên, tuổi, nghề nghiệp…”. Trước đó, người dân quanh thôn Giữa kể với tôi rằng, “siêu người giời” chỉ tiếp đại gia đi ôtô, nên tôi giới thiệu khá rùm beng, là một giám đốc công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Nghe thế, người phụ nữ tỏ ra vồn vã bảo: “Em ưu tiên cho anh vào ngay chiều nay nhé. Đúng 3 giờ anh có mặt ở nhà thầy”.

2 giờ chiều hôm đó, tôi cùng 3 người bạn nữa lái xe đến Thuận Thành. Từ con đường liên xã, đến con đường dẫn vào biệt phủ của Nguyễn Thành Bút, xe cộ sang trọng đã nối đuôi nhau đỗ dài. Taxi, xe 16 chỗ chở khách lên đỗ ở đường ngoài. Xe vừa rẽ vào con đường riêng dẫn đến biệt phủ, người đàn ông mang khuôn mặt dữ dằn đã tiến ra chặn đầu hỏi: “Anh đã đăng ký chưa?”. Tôi bảo đăng ký rồi, thì anh ta thu 20 ngàn tiền trông xe. Xe đỗ, anh ta trực tiếp dẫn chúng tôi tiến đến chiếc cổng sắt to tướng, nặng nề. Vừa đi, anh ta vừa đưa ra một số quy định, trong đó, anh ta nhấn mạnh nhất quy định: “Cấm quay phim, cấm chụp ảnh”. Do đã có sự chuẩn bị kỹ càng, nên quy định đó chả có ý nghĩa gì với tôi. Có lẽ, lão Bút này đã bị dính nhiều vố đau do công an, nhà báo lọt vào, nên mới đưa ra nhiều quy định khắt khe như vậy.

Đứng ngoài cổng sắt, nhìn sang hai bên thấy bức tường cao chất ngất, dài hút tầm mắt. Cuốc bộ hết mặt tiền của biệt phủ này, cũng mỏi chân. Bảo vệ bấm chuông một lát, thì một người đàn bà béo tròn ùng ục, khệ nệ đi ra. Chị ta cầm theo cuốn sổ và chiếc bút, nghé mắt qua khe hẹp hỏi tôi: “Anh đăng ký chưa? Tên gì?”. Tôi giới thiệu tên tuổi, nghề nghiệp, chị ta mở khóa cổng cho tôi lách vào. Thế nhưng, 3 anh bạn cùng đi với tôi thì bị chặn lại. Tôi trình bày rằng, đây là bạn bè đi cùng, toàn là giám đốc các công ty, song chị ta vẫn nhất định không cho vào. Chỉ những người có tên trong sổ, tức là đã đăng ký trước mới được qua chiếc cổng này thôi. Anh bạn tôi vừa nói khó vừa nhét tờ 100 ngàn vào cuốn sổ, thì chị ta mới miễn cưỡng cho vào.

Theo người đàn bà này, mỗi ngày ông “Thánh Bút” chỉ tiếp 300 người mà thôi. Ông ta cũng chỉ viết đúng 300 tờ lệnh. Chị ta bảo, nếu bạn tôi không được ông Bút cho lệnh, thì cũng phải chịu. Dù chị ta là đệ tử, cũng không lay chuyển được quy định nghiêm ngặt do “người giời” đặt ra. Lý do không phải vì ông ta tiết kiệm chữ, mà vì mỗi ngày ông ta chỉ “can thiệp” lên trời được 300 lần mà thôi. Nếu có làm thêm, cũng không có hiệu quả, như vậy sẽ mất uy tín. Chị ta nói thêm: “Thầy Bút là người trời, là đại thánh, nên làm việc gì cũng theo nguyên tắc, không đùa được đâu!”.

Chị ta dẫn tôi đến một chiếc bàn ở ngay đầu sân. Sau khi biết tên tôi, người phụ nữ ngồi tại chiếc bàn đó viết số cho tôi vào một tờ giấy nhỏ. Tôi cầm trên tay mẩu giấy ghi số 279. Điều đó có nghĩa là 276 người đã vào biệt phủ này. 3 anh bạn đi theo tôi không được cấp số, vì là khách bổ sung. Nếu cấp số cho 3 anh bạn tôi, thì có nghĩa là phải loại những người đã đăng ký trước nhưng chưa đến. Điều đó là không thể được. Theo người đàn bà này, đợi đến 3 giờ, nếu người đã đăng ký không đến, thì sẽ cấp số của họ cho. Còn nếu số người đăng ký đến đủ 300, thì chị ta sẽ xin “thầy”. Xin được hay không, là do may rủi và cái duyên của “người giời” với mấy anh bạn tôi.

Lọt vào biệt phủ, tôi có cảm giác như vào một chốn xa hoa bậc nhất, mà chỉ bậc vua chúa, hoặc đại gia giàu sang tột đỉnh mới có được. Trung tâm biệt phủ nằm giữa một khu vườn rộng mênh mông, cỏ hoa ngút ngàn, cực kỳ mát mẻ. Dọc con đường lát gạch đỏ tươi từ cổng dẫn vào trung tâm biệt phủ, là mấy cái cũi nhốt chó. Trong cũi là những chú chó béc-giê to như con bê nằm ngủ thanh thản. Có lẽ, ban đêm mới là lúc mấy chú chó này làm việc tuần tra, bảo vệ biệt phủ giàu có, xa hoa của ông chủ.

Xung quanh biệt phủ, trung tâm biệt phủ là những cột đèn cao áp lớn như những cột đèn đường trên cầu Thanh Trì. Đêm xuống, hệ thống đèn cao áp bật lên, cả khu vực biệt phủ sẽ sáng trưng, đẹp lung linh. Ngoài vườn, lấp ló sau rặng nhãn, vải, có một am tháp bằng đá xây sẵn. Chắc “siêu người giời” tính, khi nào quy tiên, sẽ thiêu xác rồi đặt tro cốt vào am tháp này, giống như những vị vua yêu nước thời Trần một lòng, một dạ theo Phật.

Xung quanh khoảnh sân rộng mênh mông, được bố trí rất nhiều ghế đá dưới những gốc cây tỏa bóng mát, chả khác nào công viên. Giữa sân, “người giời” cho đào một cái hồ lớn, kè gạch, xây tường 4 bên, trang trí hoa văn rất đẹp. Giữa hồ là tượng Bồ Tát được khắc trên một phiến đá trắng rất đẹp. Bốn bức tường xung quanh hồ là đủ các loại hình vẽ liên quan đến Phật giáo, thánh thần. Dưới chân tường của hồ nước được trang trí dày đặc các hộp đèn chiếu sáng như quanh hồ Gươm, để hồ nước này có thể phát sáng lung linh về đêm… 

Sự thật về “Thánh” viết “chữ Trời”
Tìm thêm: Tin huyện Thanh Trì, Thánh viết chữ trời, Tượng Bồ Tác, Tin cầu Thanh Trì, Cầu Thanh Trì, Cột đèn cầu Thanh Trì
Link: http://tintucthanhtri.blogspot.com/2011/06/su-that-ve-thanh-viet-chu-troi.html

Tin tức Thanh Trì Hà Nội khác:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Top Ad

Your Ad Spot

Pages